Bài 11: Thế nào là một cổ phiếu tốt và cách lựa chọn cổ phiếu tốt (doanh nghiệp tốt) – GiaoThong

Thế nào là một cổ phiếu tốt?

Định nghĩa một cổ phiếu tốt sẽ khác nhau tùy theo trường phái đầu tư hay đầu cơ. Thậm chí trong cùng trường phái, việc xác định một doanh nghiệp tốt và một cổ phiếu tốt cũng khác nhau giữa các nhà đầu tư khác nhau – chủ yếu do bộ chỉ số mà một NĐT tự định ra để đánh giá doanh nghiệp và định giá doanh nghiệp.

Thông thường thì cổ phiếu tốt là cổ phiếu của một doanh nghiệp tốt, đồng thời có thị giá tốt, có khả năng mang lại giá trị cho nhà đầu tư, có khả năng tăng giá và có khả năng mua được.

Cách lựa chọn doanh nghiệp tốt

Tôi theo phương pháp đầu tư giá trị nên mục tiêu là trong thời gian ngắn nhất có thể hoàn vốn đầu tư. Do vậy tỷ lệ cổ tức trên giá là một trong những yếu tố quan trọng để xác định một cổ phiếu phù hợp. Hai biến cổ tức và thị giá sẽ là yếu tố đầu tiên để xác định có tiếp tục đánh giá sâu hơn về cổ phiếu hay không và nó cũng quyết định thời điểm mua vào.

Để xác định được tỷ lệ trả cổ tức của năm, tôi sử dụng thông tin về lịch sử trả cổ tức 3 năm gần đây của công ty. Ngoài ra khả năng trả cổ tức của năm hiện tại sẽ phụ thuộc vào EPS và do đó lợi nhuận ròng của năm là yếu tố quan trọng và cần tính luôn tỷ lệ EPS/P. Lợi nhuận này từ hoạt động SXKD và loại trừ các lợi nhuận bất thường như bán tài sản.

Các tỷ lệ ROE, ROA và giá trị sổ sách là các thông tin giúp đánh giá tính hiệu quả của doanh nghiệp. ROA cao tức là doanh nghiệp không quá thụ phuộc vào vốn vay.

Giá trị sổ sách cao so với thị giá có nghĩa là cổ phiếu đang được đánh giá thấp hơn so với giá trị nên còn khả năng tăng giá về lâu dài. Song song với nó thì tỷ lệ P/E nhỏ sẽ giúp giá cổ phiếu ít bị biến động khi thị trường rung lắc.

Thông thường tôi tìm các doanh nghiệp có số cổ phiếu tương đối cô đặc. Trong cơ cấu cổ đông thì có một số tổ chức lớn uy tín (vd SCIC). Việc có cổ đông lớn trong HDQT thông thuờng sẽ đảm bảo thông tin của doanh nghiệp minh bạch hơn. Tính minh bạch của doanh nghiệp cũng là điều quan trọng và nó phụ thuộc nhiều vào ban lãnh đạo. Điều này đối với nhà đầu tư nhỏ lẻ rất khó đánh giá nên phải thu thập thông qua các kênh thông tin khác nhau mà từ các diễn đàn là một kênh.

Cổ phiếu cô đặc và doanh nghiệp làm ăn hiệu quả nên nói chung thanh khoản không cao, hệ số beta thấp và điều này làm cho giá cổ phiếu giảm chậm hơn so với khi thị trường chung giảm. Nhưng nó không đảm bảo giá cổ phiếu tăng nhanh hơn so với khi thị trường tăng. Tuy nhiên do đầu tư giá trị nên điều này không quá quan trọng.

Đặc thù của doanh nghiệp khá quan trọng để lựa chọn cổ phiếu. Các doanh nghiệp có các chu kỳ kinh doanh đặc thù, ví dụ với các doanh nghiệp về giáo dục thì quý 3 là quý doanh thu & lợi nhuận cao nhất, với các doanh nnhiệp xây dựng thì quý 4 quyết định thành công của năm. Nếu doanh nghiệp trong các năm 2011 và 2012 không quá ảnh hưởng bởi thị trường chung thì có nghĩa là BLD của doanh nghiệp có khả năng lèo lái đơn vị phát triển tốt trong các năm 2014, 2015.

Thông tin từ bản cáo bạch và BCTC cũng quan trọng, trong đó các nội dung về tồn kho, tồn kho quá hạn, có trích lập dự phòng không, thông tin về nợ và nợ quá hạn, có trích lập dự phòng không là các nội dung đảm bảo việc doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Nếu doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu & phát triển, hợp tác với các đơn vị nước ngoài trong SXKD và sản phẩm mới thì đó là những doanh nghiệp có chiến lược cạnh tranh rõ ràng, có lợi thế.

Một nội dung theo tôi cũng quan trọng của BCTC là xem các quỹ của doanh nghiệp. Nếu họ có quỹ đầu tư phát triển và quỹ dự phòng tài chính thì sẽ đảm bảo có đủ nguồn tài chính khi muốn mở rộng SXKD hoặc khi gặp khó khăn. Trong trường hợp cần tăng vốn thì có thể dùng các quỹ này.

Kế hoạch SXKD của doanh nghiệp đặt ra và luôn luôn vượt, năm sau cao hơn năm trước, có nghĩa là doanh nghiệp nắm rõ về thị trường và khả năng của mình.

Sợ nhất là doanh nghiệp đặt mục tiêu nhưng thường xuyên trượt, hoặc là doanh nghiệp thường xuyên làm sai báo cáo tài chính vì đó là những đơn vị không có đủ thông tin báo cáo quản trị giúp lãnh đạo và quản lý bám sát được tiến độ.

Các thông tin cần được theo dõi về doanh nghiệp là thay đổi bộ máy lãnh đạo, thay đổi cổ đông lớn, các giải trình về biến động lợi nhuận / doanh thu, thông tin trả cổ tức và các BCTC định kỳ.

Các doanh nghiệp mà đột nhiên PR quá nhiều và có khả năng đội lái nhảy vào thì phải có kế hoạch rút lui hợp lý.

GiaoThong – 01/2015

#GiaoThong | #LuaChonCoPhieu

Bài 17: Giới thiệu các cuốn sách (nước ngoài) về chứng khoán – GiaoThong

4 thoughts on “Bài 11: Thế nào là một cổ phiếu tốt và cách lựa chọn cổ phiếu tốt (doanh nghiệp tốt) – GiaoThong”

      1. TK tang trưởng của em từ đầu năm em được cũng kha khá, cuối năm lại trả lại gần hết ở C32, GIL và LBM bác ạ.
        Còn TK cổ tức thì ổn định hơn, khoảng 10%.

        1. Như bác thế cũng là một trong số ít người trụ được vững. Đợt vừa rồi các mã cơ bản tăng mạnh và rơi cũng mạnh (như LBM chẳng hạn), tính đầu cơ của cổ cơ bản cũng cần xem xét. Tuy nhiên nếu giữ dài hạn và không quá quan tâm tới các thay đổi ngắn hạn thì kết quả sẽ vẫn khả quan. Thời gian còn lại của năm cũng gần hết, sang tháng 1 sẽ có BCTC của cả năm rồi. Chúc bác thắng lớn nhé.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top