Bài 16: Lọc cổ phiếu để chọn cổ phiếu tốt – GiaoThong

Bài 16: Lọc cổ phiếu để chọn cổ phiếu tốt

Trong hơn 900 mã cổ phiếu trên 3 sàn HSX, HNX và Upcom, lựa chọn cổ phiếu nào để đưa vào diện theo dõi là câu trả lời không đơn giản.

Trong Bài 11: Thế nào là một cổ phiếu tốt và cách lựa chọn cổ phiếu tốt (doanh nghiệp tốt) – GiaoThong tôi có đề cập đến cổ phiếu tốt và cách lựa chọn cổ phiếu / doanh nghiệp tốt. Trong bài này chúng ta sẽ đi sâu hơn một chút về các tiêu chí để tìm ra các cổ phiếu phù hợp. Sau khi đã có bộ chỉ số và các giá trị mong muốn, chúng ta sẽ dùng các trang web khác nhau để tìm ra những mã đáp ứng được các tiêu chí này.

Các tiêu chí lọc cổ phiếu

Khi càng thêm nhiều tiêu chí và điều kiện, thì số lượng công ty phù hợp càng giảm xuống. Việc này không khó, chỉ sợ về sau không tìm được công ty ngon mà giá còn tốt thôi.
  1. Ngành nghề không trong giai đoạn suy thoái (vd cao su tự nhiên, dầu khí). Tốt nhất là những ngành mà chúng ta hiểu rõ đặc thù.
  2. Quy mô doanh nghiệp (thuộc nhóm Large Cap, Mid Cap, Small Cap hay Micro Cap). Ví dụ như tôi thường chọn doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ vì nó phù hợp với vốn của tôi. Phần này thì tùy theo quy mô vốn của mỗi NĐT, tùy thuộc vào sở thích (hay khẩu vị).
  3. Ảnh hưởng của giai đoạn khủng hoảng 2012-2013 tới công ty không đáng kể (xem số liệu quá khứ. Nếu vượt được khủng hoảng những giai đoạn trước thì khả năng vượt khó trong các năm tới là dễ dàng hơn)
  4. Vị thế của công ty so với đối thủ cạnh tranh cao hơn, lợi thế cạnh tranh cũng cao hơn (kiểu con hào kinh tế economic moat – tham khảo các bài viết của Warren Buffett)
  5. Tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận hàng năm cao hơn so với trung bình của ngành (ví dụ ngành tăng trưởng 10% thì doanh nghiệp tăng 15%). Nếu không tăng có nghĩa đang thụt lùi và bị mất thị phần
  6. Nếu công ty tăng vốn, vốn đó được tăng từ quỹ đầu tư phát triển và/hoặc LNST chưa phân phối (không chơi kiểu bán giấy pha loãng mà NĐT lại phải bỏ thêm tiền).
  7. Nếu công ty có tăng vốn, tốc độ tăng lợi nhuận cao hơn sự pha loãng của vốn (có nghĩa là EPS không suy giảm)
  8. P/E không cao hơn so với trung bình NGÀNH (không so chung toàn thị trường vì nó vô cùng, so trong ngành thôi)
  9. Cổ tức / thị giá cao hơn 1.5 lần so với LSTK (phần này quan trọng, vì nó chính là bảo hiểm cho chúng ta trong trường hợp gía của cổ phiếu cả năm không thay đổi thì chúng ta vẫn có được tỷ suất thu lời cao hơn gửi tiết kiệm)
  10. ROE > 20%; ROA > 10% (đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn và tài sản)
  11. Quỹ khen thưởng phúc lợi và các quỹ chi cho ban lãnh đạo không cao hơn so với trung bình thị trường (nhiều doanh nghiệp làm ăn tốt nhưng lấy tiền của cổ đông chia hết cho lãnh đạo và nhân viên, đến khi chia cho cổ đông thì chả còn mấy)

Liệu đây có phải là “Lái xe bằng cách nhìn vào gương chiếu hậu không”?

Đương nhiên đây là chúng ta nhìn vào quá khứ để luận tương lai. Tuy nhiên nếu đã là nhà đầu tư, việc tham dự Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ), đọc tài liệu ĐHCD, hỏi về chiến lược và kế hoạch của công ty trong tương lai là việc cần làm.

Nếu ngành bị phụ thuộc (vd ngành oto phụ thuộc nhiều nhất là chính sách của CP, đặc biệt là chính sách thuế, sau đó tới các yếu tố khác như bài toán tỷ giá) thì có thể thấy ngành không ổn định thì doanh nghiệp không ổn định. Tuy nhiên đấy là các bác nhìn vào các doanh nghiệp thương mại là chính (mấy đơn vị phân phối hoặc bán lẻ xe), các bác xem lợi nhuận của ông lớn là Trường Hải thì vẫn thấy nó ngất ngây con gà tây. Đấy chính là câu chuyện về lợi thế so sánh, chiến lược cạnh tranh của doanh nghiệp.

Có những doanh nghiệp xây dựng kế hoạch cực chuẩn, kế hoạch được ĐHCĐ thông qua năm nào cũng đạt hoặc vượt, không năm nào sai so với kế hoạch. Ngoài ra doanh thu (DT) & lợi nhuận (LN) tăng trưởng đều, không bị những phát chết tức tưởi do quản trị kém như tồn kho, công nợ. Đấy là những doanh nghiệp có nền tảng quản trị tốt, họ làm chủ được cuộc chơi và họ biết phải làm thế nào để đạt được mục tiêu.

Nếu những doanh nghiệp có 5-7 năm liên tục vượt kế hoạch (và kế hoạch không đặt quá thấp kiểu để cho có) thì có thể dự đoán được khả năng hoàn thành của họ. Nếu chúng ta xem số lũy kế theo từng quý thì đến quý 2 đã có thể dự đoán được kết quả của quý 4. Nói chung với chúng ta thế cũng là đủ, mua bán T+3 mà đánh giá được 2 quý cũng là kinh rồi

Cách dùng công cụ lọc cổ phiếu

Một số đơn vị và cá nhân bán các phần mềm lọc cổ phiếu. Dù có phần mềm mua sẵn hay tự lọc thì chúng ta cũng cần xác định rõ ràng tiêu chí và định lượng được thang giá trị cho nó.

Ví dụ, chúng ta có thể dùng bộ lọc của Cophieu68 tại www.cophieu68.vn

Lọc cổ phiếu
Lọc cổ phiếu

GiaoThong – 08/2016

 

 

 

2 thoughts on “Bài 16: Lọc cổ phiếu để chọn cổ phiếu tốt – GiaoThong”

  1. Cảm ơn bạn, bài viết của bạn rất thực tế và hữu ích. Mình đang tìm thông tin về các bộ lọc và cách lọc cổ phiếu nhanh và tiện theo CANSLIM. Bạn cho hỏi thêm là trung bình 1 năm bạn lọc và kiểm tra lại các cổ phiếu mấy lần? có phải theo dõi thường xuyên không

    1. Theo kinh nghiệm của tôi, cứ mỗi một quý sẽ có BCTC một lần và đây chính là lúc chúng ta sẽ cập nhật và đánh giá lại lựa chọn của mình. Đặc biệt vào giai đoạn cuối năm khi có BCTC Q4 và sau đó là BCTC cả năm sẽ có rất nhiều thông tin về doanh nghiệp bên cạnh thông tin đơn thuần về tài chính.

      Với nguồn vốn hữu hạn và không có nhiều tiền nhàn rỗi, số lượng mã cổ phiếu tôi theo dõi chỉ là hữu hạn. Do đó định kỳ tôi chỉ cập nhật thông tin về những mã tôi theo dõi và có thể thêm 1 số mã cùng ngành (để so sánh tương đối). Việc theo dõi thường xuyên sẽ là thông tin về doanh nghiệp được cung cấp từ website của họ, từ các trang web về thông tin chứng khoán và trang web của các sàn như hnx hay hsx.

      Hiện tại cách này mang tính thụ động thay vì chủ động, có nghĩa là quá trình tìm kiếm các mã cổ phiếu của tôi không thay đổi liên tục, khác với phương pháp của nhiều người là đầu tư (hoặc mua bán ngắn hạn). Cho nên khó có công thức chung cho mọi người.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top