Chiến thuật giải ngân của nhà đầu tư giá trị – GiaoThong
Hôm trước có bác Xebocaitien đề nghị nói thêm về chiến thuật giải ngân của nhà đầu tư giá trị. Phần này theo tôi nên xem lại trong Chương 8 (Nhà đầu tư và các dao động thị trường) của cuốn Nhà đầu tư Thông minh mà chúng ta đã đề cập trước đây.
Các giao động của thị trường sẽ là hướng dẫn cho các quyết định đầu tư
Các cổ phiếu, kể cả cổ phiếu chúng ta thường gọi là cổ cơ bản, vẫn chịu các giao động giá liên tục và có thể trong một biên độ rộng. Có nhiều lý do gây nên việc giao động này và từ đó tạo nên biến động của đường giá. Cũng giống như lý thuyết cái hộp của Davas, trong một khoảng thời gian nhất định, giá sẽ giao động trong một cái hộp với cạnh trên và cạnh dưới là giá max và giá min.
Nhà đầu tư thông minh nên quan tâm tới các khả năng thu lời từ các biến động giá đó. Có hai cách có thể dùng, đó là Xác định Thời điểm và Định giá.
Khi xác định thời điểm, đó chính là việc cố gắng dự đoán động thái của thị trường chứng khoán. Chúng ta sẽ mua hoặc giữ khi phương hướng tương lai đi lên (xu hướng lên – uptrend). Để bán hoặc tránh mua khi phương hướng đi xuống (xu hướng xuống – down trend)
Khi nó đến định giá, đó là việc mua chứng khoán khi chúng có thị giá thấp hơn nhiều so với giá trị hợp lý của chúng, và bán chúng đi khi thị giá của chúng cao hơn giá trị đó.
Trong cuốn Nhà đầu tư thông minh có nói:
“Chúng tôi tin rằng nhà đầu tư thông minh có thể tạo ra các kết quả thỏa đáng từ việc định giá theo bất kỳ kiểu nào. Chúng tôi cũng tin rằng nếu anh ta đặt trọng tâm vào việc xác định thời điểm, theo nghĩa là dự đoán, anh ta rốt cuộc sẽ trở thành nhà đầu cơ và sẽ có kết quả tài chính của một nhà đầu cơ”.
Điều nói trên có nghĩa là, kim chỉ nam của nhà đầu tư giá trị là mua vào khi giá rẻ và bán ra khi giá đắt. Anh ta cũng không nên quá suy đoán thời điểm mua bán theo xu hướng vì nếu mua khi giá cao vì tin rằng nó sẽ tiếp tục cao thì đó không phải là cách của một nhà đầu tư giá trị.
Yếu tố mùa vụ hay chu kỳ của thị trường chứng khoán
Tuy vậy, theo tôi, chúng ta hoàn toàn có thể phân tích yếu tố mùa vụ để xác định những khoảng thời gian mà giá cổ phiếu có những biến động lên xuống phù hợp với tiêu chí mua rẻ bán đắt nói trên.
Trong bài Tính chu kỳ của thị trường chứng khoán, chúng ta đã đề cập đến các giai đoạn sản xuất kinh doanh của một doanh nghiệp thường được chia theo các quý (phần lớn năm tài chính là theo năm dương lịch, một số doanh nghiệp có năm tài chính hơi khác, lệch trước hoặc sau 1 quý so với năm tài chính).
Thông thường giá của cổ phiếu sẽ phản ánh kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là ở những cổ phiếu cơ bản của các doanh nghiệp sản xuất. Kết quả của doanh nghiệp sẽ được biết vào tháng kế tiếp của quý sau. Có nghĩa là nếu tháng 12 là kết thúc quý 4 (tháng 10 đến 12) thì kết quả của quý sẽ được biết vào cuối tháng 1 năm sau.
Tương tự như vậy, thường đến khoảng tháng 3 tháng 4 hàng năm các doanh nghiệp sẽ có kết quả của cả năm thông qua báo cáo tài chính kiểm toán. Đó cũng là mùa tổ chức đại hội cổ đông để báo cáo kết quả của năm trước, trình kế hoạch của năm sau và bàn việc phân chia lợi nhuận cho HDQT, BĐH cũng như các cổ đông.
Như vậy trong từng quý cũng có những thời gian trũng và trong một năm sẽ có những vùng trũng về thông tin và lúc đó thường cổ phiếu sẽ có giá thấp nhất. Khi thông tin dần lộ ra hoặc khi có các dự đoán và đồn đoán về kết quả kinh doanh khởi sắc thì giá sẽ tăng lên. Đến khi kết quả kinh doanh lộ hẳn thì tùy theo kết quả so với dự đoán mà giá sẽ tăng hay giảm.
Nếu chúng ta mua ở vùng trũng thì thường có giá tốt và đó chính là chiến thuật giải ngân của một NĐT giá trị – vừa sử dụng phương pháp định giá vừa tận dụng những vùng trũng.
GiaoThong – 01/2017
#GiaoThong | #LuaChonCoPhieu
Bài 17: Giới thiệu các cuốn sách (nước ngoài) về chứng khoán – GiaoThong