Các phương pháp đầu cơ và đầu tư trên thị trường chứng khoán
Nhân hôm qua viết về cuốn “Tâm lý thị trường chứng khoán” (Psychology of the stock market), sau đó một bạn hỏi về chứng khoán Việt Nam và rủi ro trong đầu tư chứng khoán, rồi sáng nay CafeF có bài “Nếu bạn nghĩ TTCK Việt Nam là một sòng bạc, bạn đã đúng rồi đấy” làm tôi thấy muốn chia sẻ vài quan điểm và quan niệm của tôi về đầu tư trên TTCK.
Trong film Mission Impossible có một câu khá kinh điển “Your unorthodox methods are indistinguishable from chance, and your results, perfect or not, look suspiciously like luck”. Tôi mạnh dạn dịch nó ra thành (ý thôi, đừng bắt tôi chứng minh nó đúng theo kiểu từ-thành-từ: “Đầu cơ là phương thức hoạt động nhờ sự may rủi, kết quả đạt được nhờ vào sự may mắn”.
Trong chứng khoán có khái niệm đầu tư và đầu cơ. Mặc dù có nhiều tranh luận và thậm chí có nhiều lẫn lộn giữa đầu tư và đầu cơ, nhưng dù sao quan điểm chung trên thế giới vẫn có sự phân biệt hai loại hình này.
Phương pháp rất quan trọng, vì nó sẽ giúp chúng ta định hình tư duy và nó ảnh hưởng tới chiến lược, chiến thuật.
Đầu tư & Đầu cơ?
Có một cách tiếp cận mà tôi đang suy nghĩ để phác thảo rõ hơn về các khái niệm đầu tư, đầu cơ và từ đó hệ thống hóa các phương pháp. Chính vì nhiều khi chúng ta lẫn lộn giữa khái niệm đầu cơ và đầu tư và sự kỳ thị của số đông cho khái niệm đầu cơ, nên tôi tạm không dùng trong phác thảo dưới đây.
1. Thu lợi nhuận từ việc nắm giữ cổ phiếu:
Cổ đông (dài hạn) nắm giữ cổ phiếu và hàng năm thu lợi nhuận từ việc nhận cổ tức bằng tiền (và có thể cổ phiếu thưởng) nhưng bắt buộc phải có cổ tức tiền. Với việc tái đầu tư tiền thu về vào chính cổ phiếu đó, họ có thể tăng được tỷ lệ nắm giữ và số tiền tạo ra từ cổ tức hàng năm sẽ tăng lên. Đây chính là áp dụng khái niệm lãi suất kép trong đầu tư.
Sau một thời gian nhất định, cổ đông này sẽ đưa được giá vốn về 0 và con gà (số cổ phiếu nắm giữ) sẽ tiếp tục đẻ ra cổ tức bằng tiền, tạo thu nhập thụ động.
Ví dụ tiêu biểu nhất mà mọi người hay dùng chính là việc buy & hold cổ phiếu VNM. Phương pháp này như tôi đề cập dưới đây giống như việc mua con gà mái để nhận trứng của nó hàng ngày. Chúng ta sẽ bán, hoặc thịt khi nó không còn đẻ trứng được nữa.
2. Thu lợi nhuận từ việc bán cổ phiếu.
Đây chính là việc các cổ đông (ngắn hạn) mua rồi bán cổ phiếu nhằm kiếm lợi nhuận từ chênh lệch giá. Số lượng phương pháp nhằm kiếm được lợi nhuận theo nguyên tắc này nhiều vô kể, trong đó phổ biến nhất là các phương pháp thường được gọi là đầu cơ.
Nếu lấy ví dụ minh họa, có thể quay về con gà mà tôi đã nhắc tới trước đây: chúng ta mua con gà (bất kể trống mái) rồi cố gắng bán nó nhanh nhất có thể và ăn chênh lệch giá (đầu cơ lấy tốc độ xoay vòng vốn làm trọng) hoặc là mua con gà tiềm năng, nuôi nó một thời gian cho đủ lông đủ cánh rồi bán nó đi. Sau khi trừ đi giá vốn, chi phí nuôi gà (chi phí cơ hội do nắm giữ một thời gian) chúng ta sẽ có lợi nhuận. Nói tóm lại đây là nguyên tắc ăn chênh lệch giá khi bán cổ phiếu.
Mặc dù anh em có tạm gọi phương pháp đầu cơ dựa vào giá trị cơ bản của doanh nghiệp là đầu cơ trên cơ sở đầu tư, nhưng thực chất đó là một dạng lướt trên chính danh mục đầu tư để giảm giá vốn của các cổ phiếu cơ bản.
Để minh họa về đầu tư và đầu cơ, tôi tạm dùng ví dụ về kinh doanh gà cho dễ hình dung:
1. Một người mua một con gà, đem ra chợ bán lấy chênh lệch giá. Đấy là đầu cơ (thuần túy thương mại). Có thể sáng mua chiều bán, cứ có lãi là được không cần quan tâm nhiều tới con gà, thâm chí chả quan tâm lắm xem con gà nó có khả năng đẻ trứng hay không. Cái mà họ cần là có một số thông tin hay để nói tốt (PR) về món hàng này, phần lớn là nói về tiềm năng của nó để xây dựng cái gọi là KỲ VỌNG.
2. Một người mua một con gà mái, hàng ngày nó đẻ trứng, lấy trứng đó để bán. Đó là đầu tư ăn cổ tức. Họ chỉ bán con gà khi nó không còn đẻ trứng hoặc khi có con gà khác đẻ trứng ngon hơn và họ bán con gà đang có đi để mua con gà tốt hơn. Nếu một đơn vị trả cổ tức khoảng 20% và giá của nó khoảng 13K thì tỷ suất lợi nhuận đạt được khoảng 15%, gấp 2-3 lần gửi tiết kiệm ngân hàng mà cũng chả phải làm gì nhiều, chỉ mua và giữ.
3. Một người mua một con gà trống chọi con, nuôi một thời gian nó lớn lên thành con gà chọi và đem bán. Đó là đầu tư tăng trưởng. Con gà này không giống những con gà khác, đến lúc nó tăng thì tăng rất nhanh và tăng liên tiếp trong một giai đoạn dài. Người ta sẽ bán con gà đi khi nó tăng trưởng chậm lại đi vào chu kỳ bão hòa. Có thể nói nếu đã vào xu hướng tăng giá thì chả cản nổi, quan trọng có dám giữ để ăn từ đầu tới cuối không thôi. Cách đây gần 2 năm, cô bạn tôi mua TV2 khi giá của nó khoảng 38K, nó lình xình cho tới tháng 10 năm ngoái rồi thì tăng, tăng lên khoảng 110K thì nó dừng sau đó thì công ty chia cổ tức, thưởng cổ phiếu. Giá sau chia về thấp nhất khoảng 88K. Thế rồi từ đầu năm 2016 tới nay TV2 cứ từ từ tăng, và giá hiện tại của nó là 182K. Không tính cổ tức và cổ phiếu thưởng, 100 triệu đầu tư đã tăng lên thành 480 triệu.
4. Một người mua được một con gà Đông Tảo, hình thức nó lúc đầu vô cùng xấu ai cũng chê. Đem về nuôi nó lớn lên càng ngày càng đẹp và lúc đó người ta mới nhận ra giá trị của nó, khi đó giá của nó được đánh giá đúng mức. Đó là đầu tư giá trị. Người ta sẽ bán con gà đi khi giá đã phản ánh đúng giá trị của con gà. Cái vụ đầu tư giá trị này thì rất nhiều, nhưng có lẽ phổ biến nhất là các tài sản có giá trị như quyền sử dụng đất (các mảnh đất vàng) của doanh nghiệp, giống như KS Kim Liên, Cao Xà Lá hoặc Triển lãm Giảng Võ, các mảnh đất mặt phố chính của Điện lực…
Lựa chọn đầu tư hay đầu cơ?
Tùy theo khả năng, kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm của từng người mà sẽ lựa chọn phương thức phù hợp với mình. Với người có thể đoán định được thị trường thông qua các phân tích kỹ thuật (TA), có nhiều thông tin về thị trường, có khả năng bám bảng điện hàng ngày thì có thể áp dụng phương pháp 1 là đầu cơ chênh lệch giá.
Người muốn song hành cùng doanh nghiệp, muốn góp vốn vào doanh nghiệp để được chia lợi nhuận tương ứng với phần vốn góp của mình vào doanh nghiệp, thì có thể cân nhắc các phương pháp 2-4.
Người mà muốn dùng kênh chứng khoán hoàn toàn như gửi tiết kiệm, tức là mua và nắm giữ (buy and hold) thì có thể cân nhắc phương án #2 là mua ăn cổ tức. Cũng không nên chê phương pháp nào vì mỗi phương pháp sẽ điểm mạnh riêng.
Quan trọng nhất trong đầu tư CK là quản trị rủi ro (không để mất tiền), sau đó mới là tỷ suất lợi nhuận. Nếu chúng ta có 100 triệu, chúng ta để lỗ mất 50% (50 triệu) thì với 50 triệu còn lại chúng ta phải thắng được 100% mới mong bù lỗ. Thua 50% thì nhanh, thắng được 100% thì hiếm. Nghe vậy là biết phải làm gì.
Phương pháp #1 thì lấy tốc độ làm trọng, phải xoay vòng vốn thật nhanh cho nên nếu T+ mà có lãi cũng chơi T+. Phải giữ gà lâu là chôn vốn và không kinh doanh thì không có lãi cho nên phải giao dịch liên tục. Cái này chắc chỉ phù hợp với người lấy CK làm công việc và đầu tư fulltime cho nó. Dân amateur chơi môn này khỏi làm việc khác mà có khi thua nhiều hơn thắng.
Phương pháp #2, 3, 4 thì phải có thời gian đủ dài để tích luỹ giá trị, sau đó là gặt hái thành quả, cho nên thời gian giữ gà phải đủ lâu.
Cuốn sách “Chiến lược Đầu tư Chứng khoán” của David Brown & Kassandra Benley có giá 69K (https://goo.gl/FbW0mc) có thể tham khảo thêm về chiến lược đầu tư. Có thời gian tôi sẽ nói thêm về cuốn này.
Quên, hôm vừa rồi xem chương trình của Discovery có chiếu về việc ấp gà con, sau đó họ hướng dẫn cách phân biệt gà trống gà mái từ đám gà con mới nở rất hay, đó là dùng đám lông ở đầu cánh của gà con, nếu đám lông đều bằng nhau là gà trống, không đều thì là gà mái.
GiaoThong – 11/2016
#GiaoThong | #LuaChonCoPhieu
Bài 17: Giới thiệu các cuốn sách (nước ngoài) về chứng khoán – GiaoThong