Tính thanh khoản của cổ phiếu
Trong phần trao đổi của tôi với lão HGG hôm qua, cụ ấy có đề cập một nội dung mà tôi thấy có lẽ cần phải trao đổi thêm, đó chính là vấn đề về tính thanh khoản của cổ phiếu.
Một trong những câu nói phổ biến nhất của các nhà đầu tư (NĐT – tôi tạm gọi chung như thế cho người mua – bán chứng khoán, không phân biệt đầu tư hay đầu cơ) nhỏ lẻ – những người như tôi có được ít tiền dành dụm từ việc bớt ăn quà sáng, nhịn bữa cafe để lấy tiền đem đốt trên sàn CK – đó là:
Cổ phiếu này làm gì có thanh khoản mà mua bán!!!
Đồng ý tính thanh khoản là rất quan trọng, nó được nhắc nhiều trong nhiều tài liệu cũng như trong rất nhiều hướng dẫn về đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên nó có phải là điều kiện bắt buộc nếu chúng ta đầu tư CK không? Theo tôi thì tùy.
Như trong bài trước có nói, quy mô vốn là rất quan trọng.
Các quỹ hoặc những nhà đầu tư dùng số vốn vài chục tỷ, hàng trăm tỷ trở lên thì họ bắt buộc phải chọn các cổ phiếu có lượng cổ phiếu lớn, và lượng cổ phiếu trôi nổi (floating) lớn, đồng thời cũng cân nhắc cổ phiếu mỗi phiên giao dịch có số lượng và giá trị ở mức cao nhất định, đảm bảo khi họ cần có thể mua – bán được.
Trên TTCK có khái niệm nhà tạo lập thị trường (market maker). Theo như định nghĩa thì MM chịu trách nhiệm đảm bảo tính thanh khoản của một cổ phiếu, và sẽ bán hoặc mua đối ứng với lệnh của các NĐT trên sàn. Ở Việt Nam chắc phải đợi có chứng khoán phái sinh thì mới có MM đúng nghĩa. Vì vậy ở giai đoạn này tính thanh khoản của cổ phiếu phụ thuộc vào cung cầu trên thị trường và liệu cung cầu có gặp nhau không.
Đấy là nói tới quy mô vốn.
Còn nếu nói về phương pháp, thì những phương pháp đầu tư (trung và dài hạn – cứ tạm tính khoảng thời gian khoảng 1 năm trở lên) thì không quá khắt khe về tính thanh khoản của cổ phiếu. Lúc cần bán vẫn có thể bán được, nhưng không phải toàn bộ trong 1 phiên mà có thể phải chia ra thành vài phiên, hoặc khi mua cũng phải mua rải rải ra vì có những cổ phiếu tốt ít người muốn bán hoặc khi bán số lượng cũng nhỏ.
Với người đầu cơ muốn mua nhanh bán nhanh thì thanh khoản quan trọng vì họ lấy tốc độ làm trọng.
Nhưng như vậy thanh khoản có phải là bất biến?
Theo tôi thì không phải. Kể cả những cổ phiếu có tính thanh khoản tốt với số lượng vài trăm K một ngày thì cũng có lúc sẽ không có giao dịch, kể cả giảm sàn, nếu như nó có vấn đề. Có thể lấy ví dụ về mã TTF với 23 phiên giảm sàn với gần như không có giao dịch vì chỉ có người bán không có người mua.
Như vậy tính thanh khoản phụ thuộc vào cung gặp cầu. Nếu người mua chỉ thích mua rẻ, người bán chỉ thích bán cao, thì dù lệnh mua bán rất nhiều nhưng cũng không có giao dịch.
Bây giờ quay trở lại quan điểm của nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ: Cổ phiếu này thanh khoản kém quá, tôi phải đầu tư những cổ phiếu thanh khoản cao như BID, SSI, CTG, FLC….
Nếu hỏi kỹ hơn vậy số vốn họ đưa vào TTCK là bao nhiêu mà cần thanh khoản cao, câu trả lời có thể rất nhiều đáp án, nhưng cũng rất nhiều trong số đó có con số dưới 1 tỷ.
Giả sử vốn 1 tỷ, chia nhỏ rủi ro nên đầu tư vào khoảng 3 mã cổ phiếu. Như vậy mã nào nhiều thì là 400 triệu. Nếu giả sử thị giá của một mã là khoảng 20Kđ, như vậy số lượng cổ phiếu cần mua cũng chỉ là 20K cổ.
Nếu phương pháp là đầu tư dài hạn, song hành cùng doanh nghiệp để được chia lại lợi nhuận do doanh nghiệp SXKD đem lại, vậy thì đâu có cần phải mua bán cổ phiếu hàng ngày. Vì vậy đâu cần thiết phải chọn những doanh nghiệp có thanh khoản hàng ngày lên tới hàng triệu cổ phiếu? Chúng ta chỉ cần mua hoặc bán có vài chục K thôi mà.
Ngoài ra, như đã nói ở trên, thanh khoản do cung cầu gặp nhau. Khi cần mua không nên căn ke quá một vài line, tương tự như vậy khi bán cũng thoáng hơn 1 chút nếu cung nhiều cầu ít, nếu không mình không bán thằng bên cạnh cũng bán.
Hôm trước có nói tới việc chia mua hoặc bán ra thành nhiều bước giá (mua rải hoặc bán rải) để không tất tay cho một lần giao dịch. Nếu như vậy với 20K cổ phiếu đã nói ở trên, mỗi ngày bán 8-10K thì cũng chỉ 2-3 ngày là bán hết.
Với các cổ phiếu đầu tư dài hạn, có những thời gian giao dịch rất chán, ngày có khi chả có lệnh mua bán hoặc có nhưng không khớp. Tuy nhiên có những thời điểm khi kết quả kinh doanh lộ ra và thông tin về lợi nhuận tốt xuất hiện thì cầu sẽ vào dồn dập và lệnh mua đuổi có thể rất nhiều, khi đó giá của cổ phiếu sẽ tăng mạnh. Khi giá tăng mạnh thì lượng cung ngày càng nhiều vì nhiều người sẽ đạt đến mức kỳ vọng lợi nhuận nên bán ra.
Hôm trước chúng ta có đề cập tới mã TV2, thời điểm tháng 10/2015 có những ngày không có giao dịch. Nhưng khi cầu vào nhiều và giá tăng thì lượng khớp hàng ngày lên tới vài chục K. Với giá hiện tại lên tới 182K thì chỉ với số lượng khớp 10K cũng đã có giá trị là 1,8 tỷ, thừa đủ cho các NĐT nhỏ lẻ.
Cổ phiếu tốt mà giá rẻ ai cũng muốn mua nhưng chẳng ai muốn bán. Cho nên có những cổ phiếu như CEC ngày xưa giá 2K mà trả cổ tức cũng 2K – tức là mua xong là hoàn vốn luôn – nên làm gì có người bán. Nhưng khi giá nó tăng (mỗi ngày có người bán 100 cổ giá trần) thì đến khi nó có giá trên 20K sẽ có giao dịch sôi động hơn, nhưng cầu cũng ít dần đi vì khi ấy trả cổ tức 2K với giá 20K thì cũng không còn quá hấp dẫn.
Cho nên khi nhìn vào thanh khoản của cổ phiếu phải xem kỹ lý do tại sao thanh khoản của nó thấp, do giá quá cao? do giá quá thấp? do lượng cổ phiếu trôi nổi ít? do doanh nghiệp làm ăn kém nên ít người quan tâm? do doanh nghiệp ít được mọi người biết đến?
Với quan niệm sai lầm về thanh khoản của cổ phiếu, rất rất nhiều NĐT nhỏ lẻ tự giới hạn khả năng thu lại lợi nhuận của chính mình và đẩy mình vào canh bạc của tính thanh khoản khi đầu cơ và lướt sóng.
Có thể có người sẽ nói, lúc tôi cần tiền không bán cổ phiếu đi được nên tôi cần cổ phiếu có tính thanh khoản cao.
Lời khuyên của tôi là vốn đưa vào TTCK nên là vốn nhàn rỗi, đừng lấy tiền phải sử dụng ngắn hạn đưa vào đầu tư dài hạn. Cho nên vẫn cần có những khoản tiền gửi tiết kiệm ngắn hạn để khi cần mua váy mới cho vợ, đóng tiền học cho con mà chưa tới ngày trả lương thì còn có cái mà dùng. Dùng vốn ngắn hạn đầu tư dài hạn là khác gì anh Liên Khui Thìn hay Tăng Minh Phụng ngày xưa hoặc một loạt anh bây giờ vay tiền ngắn hạn đầu tư vào BĐS.
À quên, nếu có dùng vốn vay (margin) thì cũng chỉ đánh rất ngắn hạn, chứ đánh dài hạn vừa mất lãi vay cao lại có khi nhanh cháy tài khoản.
Dưới đây là biểu đồ giao dịch của TTF với hơn 2 chục phiên gần như không có thanh khoản mặc dù trước đó mỗi ngày khớp vài trăm K cổ phiếu.
GiaoThong – 12/2016
#GiaoThong | #LuaChonCoPhieu
Bài 17: Giới thiệu các cuốn sách (nước ngoài) về chứng khoán – GiaoThong