Quản lý danh mục đầu tư
Quản lý danh mục đầu tư là nội dung tối quan trọng, không kém gì việc lựa chọn doanh nghiệp và định giá doanh nghiệp. Việc quyết định số loại cổ phiếu là bao nhiêu, tỷ trọng của nó trong danh mục, mục tiêu lợi nhuận với từng cổ phiếu, đảo danh mục… là các nội dung mà nhà đầu tư cần xác định một cách rõ ràng và cập nhật định kỳ khi có kế hoạch điều chỉnh.
Quản lý danh mục và phân bổ tỷ trọng
- Trong cuốn Nhà đầu tư thông minh có chia NDT thành hai trường phái mạnh bạo và cẩn trọng. Mạnh bạo là tỷ trọng đầu tư vào trái phiếu ít hơn và vào cổ phiếu cao hơn.
- Ở chúng ta nói chung 100% đầu tư vào cổ phiếu, nên tôi chia thành cổ phiếu ăn cổ tức (thi nhập thụ động, ổn định cao, tỷ lệ lợi nhuận cũng ổn định) và phần này sẽ chiếm phần lớn danh mục. Nhóm này tạm gọi là Lâu dài.
- Nhóm cổ phiếu tăng trưởng (như TV2, TNB) mặc dù không đáp ứng tiêu chí về cổ tức nhưng lại có tiềm năng lớn về tăng giá trong ngắn và trung hạn. Đây chính là phần khá quan trọng để tăng tốc. Phần này thuộc dạng đầu tư mạnh bạo và tôi tạm gọi là nhóm đầu tư trung hạn.
- Nhóm cuối là nhóm dành cho bài bạc, lướt sóng để thỏa mãn máu cờ bạc và có thể tận dụng được cơ hội trong uptrend. Nhóm này có thể đánh theo dòng tiền trong ngắn hạn và chỉ đánh trong uptrend, tỷ trọng phân bổ ít và vừa phải. Tiền mặt để trong nhóm này và cố gắng duy trì có tiền mặt liên tục vì cơ hội có thể xuất hiện bất cứ lúc nào (hôm qua có một lô hàng hiếm trong danh mục dài hạn của tôi xuất hiện và chỉ đúng 2 phút bị vợt hết hoàn toàn, tôi chỉ mua được một chút nhưng cũng rất hài lòng)
- Tùy theo tính cách và tuổi đời của các nhà đầu tư mà phân bổ tỷ trọng cho ba nhóm nói trên. Nếu ai chưa có nhóm 1 (ăn cổ tức) thì lời khuyên của tôi là trích lãi (vốn = 0) định kỳ mua hàng ăn cổ tức và vứt đấy để nó sinh thu nhập thụ động.
- Trước đây cũng vì quá cứng nhắc về mức thu nhập qua cổ tức mà tôi đã bỏ qua những cơ hội mua hàng tăng trưởng như SKG khi nó có giá 40 (chưa chia tách) và HCC khi nó có giá 12. Khi quản lý theo tỷ trọng ba nhóm thì mọi thứ rõ ràng hơn nhiều.
- Những giai đoạn như vừa rồi index lên xuống thất thường tôi tất toán toàn bộ hàng thị trường lướt sóng ngắn hạn, chuyển phần đó thành tiền để lướt hàng trong nhóm 2. Khi đó tính an toàn rất cao và tôi không bị phụ thuộc vào index. Thậm chí nó giảm lại là cơ hội săn hàng.
- Quản trị rủi ro bằng cách phân bổ tỷ trọng giữa các cổ phiếu kể cả hàng ăn cổ tức vì tương lai khó đoán định. Một doanh nghiệp có thể vẫn kinh doanh tốt nhưng không trả cổ tức vì phải tái đầu tư mở rộng sản xuất. Nói chung theo lý thuyết mỗi mã không quá 25% tổng danh mục.
- Chuyện đưa giá vốn về 0 rất quan trọng, cho nên có thể lấy lãi của nhóm tăng trưởng để mua nhóm cổ tức. Nếu chỉ tập trung vào hai nhóm đầu thì không sợ index. Lúc vào trend tăng giá thì nhóm tăng trưởng bất chấp index còn nhóm cổ tức thì không cần xem về giá trừ khi muốn phân bổ lại tỷ trọng trong nhóm.
- Tốt nhất là dùng excel để quản lý danh mục vì một số bác có thể có nhiều tài khoản. Nên lưu lại các giao dịch để nhắc mình tại sao lại mua – bán? Một số phần mềm của CTCK tính giá vốn kém nên có thể sai. Đưa vào excel cũng nhìn rõ từng nhóm và tỷ trọng nhóm, tỷ trọng cổ phiếu.
- Với các nhóm cổ phiếu có thể tự đưa ra các mức kỳ vọng để ước tính giá trị cuối kỳ: cổ tức với nhóm 1, giá cuối kỳ với nhóm 2, thậm chí mức cắt lỗ và chốt lời với nhóm 3.
- Việc đảo danh mục cũng giống chơi đồ hàng, là thú vui lúc nông nhàn.
- Số lượng cổ phiếu trong mỗi nhóm phụ thuộc quy mô vốn, phụ thuộc vào khả năng tìm doanh nghiệp phù hợp. Với nhóm 1 thì thanh khoản không quan trọng. Với nhóm 2 thì việc tìm được sớm và vào từ sớm là quan trọng để ăn được cả đầu và thân cá. Cả hai nhóm đều cần phân tích kỹ doanh nghiệp.
- Nhóm 3 thì tôi không khuyến khích vì chơi hai trường phái ngược hẳn nhau rất khó. Tuy nhiên tính cờ bạc ai cũng có nên thử với tỷ trọng nhỏ cũng chưa chắc đã hại gì (kiềm chế quá cũng hại thận và có thể nổ bàng quang)
Như vậy, với phương pháp của mình, tôi sẽ phân loại cổ phiếu và tiền thành 3 nhóm.
- Dài hạn – Nhóm ăn cổ tức
- Trung hạn – Nhóm hàng tăng trưởng
- Ngắn hạn – Nhóm hàng lướt sóng, đánh ngắn hạn hoặc tiền mặt
Lợi nhuận từ nhóm 3 sẽ chuyển sang đầu tư nhóm 2 hoặc nhóm 1; lợi nhuận nhóm 2 sẽ chuyển sang đầu tư nhóm 1. Như vậy về lý thuyết thì nhóm dài hạn (nhóm 1) sẽ có giá vốn về 0 và hàng năm sinh ra cổ tức (thu nhập thụ động). Để nhanh chóng tăng NAV và giảm giá vốn thì dùng nhóm 2 và nhóm 3 mà thường tập trung vào nhóm 2.
Với phương pháp này, số lượng mã trong nhóm 1 không hạn chế, có thể bổ sung nếu đạt tiêu chí về cổ tức. Nhóm 2 thì lựa chọn định kỳ kỹ hơn về khả năng tăng trưởng.
Kinh nghiệm xương máu
Vụ nặng nhất của tôi là dồn phần lớn tỷ trọng cho một mã khá cơ bản, chia cổ tức cổ phiếu và tiền khá lớn so với giá. Theo tính toán thì sau chia một thời gian giá sẽ tăng bù đắp phần đã pha loãng nên quyết định lăn chốt. Ai ngờ giá lao dốc không phanh nên không có cách nào khác là lướt liên tục để giảm giá vốn. Cuối cùng thì phần thiệt hại cũng giảm nhưng mất rất nhiều công sức để cưa chân bàn trong khi nếu không dồn tỷ trọng lớn thì sẽ giảm rủi ro và có thể tận dụng các cơ hội khác.
Đọc lại sách thì lời khuyên quản trị rủi ro cũng chỉ là đa dạng hóa danh mục, không chơi kiểu bạch thủ và quan trọng nhất là không để bị mất tiền.
Nếu giả sử có 5 mã, 1 mã bị lỗ 10% thì cũng chỉ là 10% của 20% tương đương 2% tổng.
Đây là lý thuyết chung, áp dụng cho việc mua bán chênh lệch giá. Đưa ra để các bác cùng chia sẻ kinh nghiệm.
Quản trị rủi ro (QTRR) trong doanh nghiệp
Lại nói về quản trị rủi ro trong doanh nghiệp, mô hình quản trị trong doanh nghiệp (corporate governance) rất quan trọng. Luật có quy định một số nội dung như Ban kiểm soát (BKS) hay kiểm toán. Theo tôi đánh giá BKS thường là người của công ty hoặc đại diện cổ đông lớn nên không có hoạt động giám sát đủ tin cậy.
Doanh nghiệp nào có tổ chức kiểm toán nội bộ và kiểm soát tuân thủ thì tính minh bạch tăng lên đáng kể.
Một số doanh nghiệp (nhất là ttong ngân hàng với basel II) triển khai quản trị rủi ro với 3 tầng phòng vệ với việc tổ chức bộ máy QTRR chuyên trách để điều phối và chỉ định chủ sở hữu rủi ro là đã tiến một bước rất lớn.
Trong QTRR, phân loại các rủi ro để có phương án quản lý phù hợp. Thường thì rủi ro nghiêm trọng nhất lại ít được đề cập nhất vì nó hiếm khi xảy ro (vd chủ tich hoặc TGD gặp vấn đề), nên khi nó xảy ra doanh nghiệp sẽ bị khủng hoảng nặng.
Các hỏi đáp làm rõ thêm
- Bác nói chính xác, nhưng doanh nghiệp thay đổi tính theo thời gian là năm với các nghị quyết của DHCĐ. Theo quý với nghị quyết của HDQT. Vì vậy với nhóm 1 & 2 thì nếu không cần mua thêm hay đảo danh mục thì 1 quý xem kết quả 1 lần cũng được.
- Vì tôi chia ra các nhóm rõ ràng, nên nhóm 1 đo theo mục tiêu cổ tức (có thể bỏ qua thị giá), nhóm 2 đo theo NAV (có thể bỏ qua cổ tức vì tăng giá 1-2 lần CE có khi bằng cổ tức cả năm, nhất là trên Upcom). Nhóm 3 là bài bạc nên tính theo %, lãi vài line có khi đã bán.
- Chính vì có phương pháp quản lý danh mục này chúng ta mới không nhầm lẫn giữa các phương pháp và cách đánh khác nhau. Nó chính là nguyên tắc mà chúng ta phải tuân thủ và rất kỷ luật để không phá vỡ. Với các NDT chưa đủ kinh nghiệm thì lời khuyên là tập trung vào các nhóm 1 & 2 thôi.
- Nếu game do doanh nghiệp tạo ra từ giá trị thật thì theo tôi nó chính là dạng tăng trưởng. Chỉ có lưu ý là khi hàng được nhiều người quan tâm, thì kỳ vọng sẽ tăng mạnh và giá sẽ phản ánh giá trị trong tương lai. Khi đó cửa tăng giá sẽ không còn nhiều vì nhiều khi kỳ vọng của NDT vượt quá khả năng của doanh nghiệp. Đó là lý do tại sao tin tốt ra giá lại giảm và mọi người hay nói tin ra là bán.
GiaoThong – 05/2016
#GiaoThong | #LuaChonCoPhieu
Bài 17: Giới thiệu các cuốn sách (nước ngoài) về chứng khoán – GiaoThong