Bài 9: Phương pháp định giá đơn giản khi mua cổ phiếu ăn cổ tức – GiaoThong

Phương pháp định giá đơn giản khi mua cổ phiếu ăn cổ tức

Với phương pháp đầu tư dài hạn vào doanh nghiệp để hàng năm ăn cổ tức (mua con gà để lấy trứng của nó như tôi đề cập trước đây) chúng ta có thể hiểu nôm na là sẽ chiết khấu dần vốn đầu tư ban đầu qua dòng tiền thu về từ cổ tức. Sau 5 đến 7 năm (hoặc có thể nhanh hơn hoặc lâu hơn tùy doanh nghiệp), khi chúng ta thu hồi được toàn bộ vốn đầu tư ban đầu thông qua cổ tức bằng tiền và cổ tức bằng cổ phiếu, thì khi đó vốn của số cổ phiếu mà chúng ta đang nắm giữ đã về 0. Nếu không bán số cổ phiếu đó mà giữ lại để hàng năm nhận cổ tức, chúng ta sẽ có con gà đẻ trứng vàng.

Xác định khoảng giá kỳ vọng

Để xác định giá mua bán một cách đơn giản, tôi xin chia sẻ phương pháp dưới đây:

Đầu tiên, phải xác định được khoảng giá mong muốn, tức là giá trần và giá sàn (càng thấp càng tốt, nhưng phải khả thi) thông qua kỳ vọng về lợi nhuận thu về hàng năm.

Giả sử công ty trả cổ tức 20% tương đương 2000đ tiền mặt.

Nếu chúng ta xác định tỷ lệ cổ tức / giá (hoặc vốn) là 10% – 15% là chấp nhận được khi so với lãi suất tiết kiệm là 7% thì khi đó cách tính giá sẽ là:

  • Giá trần: 2000đ / 10% = 2000 / 0.1 = 20,000 đây là mức giá cao nhất ta mua cho mã ăn cổ tức này.
  • Giá sàn: 2000đ / 15% = 2000 / 0.15 = 13300, đây là mức giá kỳ vọng để đạt lợi nhuận trên vốn 15%. Nếu giá dưới 13 thì cầm cố nhà cửa xe cộ để xúc.

Xác định được giá trần và giá sàn rồi thì cứ thế mà chiến. Giá cao hơn 20k thì có thể bán bớt thu lợi nhuận về một phần, khi nào nó giảm dưới 20k thì mua lại.

Công thức chuẩn tài chính là: Dividend Yield = cổ tức / giá

Xác định khả năng trả cổ tức

Giờ thì ta phải tính cho tương lai xem công ty có thể trả được cổ tức 2000đ không:

Cổ tức được trả từ lợi nhuận sau thuế. Vì vậy sẽ có mối liên hệ giữa cổ tức và EPS.

Giả sử công ty thường dùng 70% LNST để trả cổ tức. Khi đó nếu muốn trả cổ tức 2000 thì ta tính ngược lại ra EPS:

  • EPS = 2000 / 0.7 = 2857.

Nếu công ty trích 60% thì có

  • EPS = 2000 / 0.6 = 3333

Vì vậy nếu tới cuối năm công ty không đạt mức lợi nhuận kỳ vọng thì cổ tức cũng sẽ bị giảm tương ứng và khi đó chúng ta sẽ phải cân nhắc điều chỉnh lại giá trần và giá sàn.

Việc tính toán chỉ cần thực hiện một vài lần trong năm vì phương pháp này ít biến đổi tham số đầu vào.

Từ khi có BCTC cuối năm tới khi tổ chức DHCD có thông tin chia cổ tức là khoảng 2 tháng. Chúng ta có thể ước tính trước tỷ lệ cổ tức dựa trên kế hoạch hàng năm về đầu tư của công ty.

Cổ tức so với vốn đầu tư và cổ tức so với giá (thị giá)

Chúng ta có thể tính cổ tức / thị giá hoặc ngược lại là giá / cổ tức để so sánh với lãi gửi tiết kiệm và thời gian cần thiết để hoàn vốn từ thu hồi dần qua cổ tức.

Tôi sẽ chia kỹ hơn một chút để có thể quản lý danh mục và đảo tỷ trọng khi cần.

Đó là cổ tức trên vốn (CT/vốn) và cổ tức trên thị giá (CT/giá). Vốn ở đây là giá trung bình mà chúng ta đã mua. Giá là thị giá hiện tại của cổ phiếu trên thị trường. Khi mua thì xét tỷ lệ CT/giá để xem mua loại nào sẽ có lợi nhất. Tiền cổ tức cuối kỳ sẽ tính trên tổng của số lượng cổ phiếu hiện tại nhân lên với tiền cổ tức của từng loại cổ phiếu.

Đến một lúc nào đó cổ tức nhận được lớn hơn nhu cầu chi tiêu thì khi đó sẽ tự do tài chính. Nếu giả sử tiền cổ tức hàng năm là 10%, tiền tiêu hàng năm là 500 triệu thì cần vốn 5 tỷ để tự do tài chính.

Vậy cổ tức từ đâu ra? Nó sẽ từ lợi nhuận sau thuế hay lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu EPS. Theo cách tính mới của Thông tư 200 của Bộ Tài chính thì khác trước một chút so với 2014. Tuy nhiên cứ tạm coi như sau (phương án phân chia lợi nhuận)

LNST sẽ phân bổ vào các mục và quỹ sau:

  1. Quỹ đầu tư phát triển
  2. Quỹ khen thưởng, phúc lợi
  3. Quỹ thưởng HDQT và BDH
  4. Cổ tức trả cho cổ đông
  5. LNST chưa phân phối chuyển sang năm sau

Như thế có thể thấy LNST sẽ trừ các quỹ khoảng 20-30% trước khi còn lại để chia cho cổ đông qua cổ tức hoặc để dành qua năm sau.

Doanh nghiệp trả cổ tức cao là ở mức 75%-80% tổng LNST. Như vậy nếu giả sử chúng ta muốn nhận cổ tức 1800đ (18%) thì EPS theo cách tính cũ ở tầm 2500đ. Nếu EPS ở tầm 3000 thì khả năng trả 1800-2000 là cao.

Cũng phải xem lịch sử trả cổ tức của doanh nghiệp có đều và cao trong khoảng 7 năm trở lại đây. So sánh cổ tức và EPS xem có tuyến tính không.

Cho nên với doanh nghiệp nhóm 1 sự ổn định cực quan trọng, nếu cổ tức tăng trưởng hàng năm (EPS tăng trưởng) thì rất tốt để tỷ suất lợi nhuận của chúng ta ngày càng cao hơn.

Ở trên là tính cổ tức bằng tiền, cổ tức cổ phiếu và hỗn hợp tiền và cổ phiếu sẽ phức tạp hơn một chút.

Lựa chọn doanh nghiệp để mua cổ phiếu ăn cổ tức

Việc trả được cổ tức hay không dựa nhiều và khả năng kiếm lợi nhuận của công ty. Vì vậy khâu chọn công ty là quan trọng nhất, sau đó mới là việc tính toán giá mua.Để chọn công ty phù hợp, cần phải xem lịch sử 7-10 năm:

  1. Công ty đặt kế hoạch sát không, có hoàn thành và vượt không?
  2. Kế hoạch có đủ thách thức không?
  3. Ngành và nền kinh tế có ảnh hưởng nhiều tới việc đạt kế hoạch không?
  4. Lịch sử trả cổ tức thế nào, có trả cao và đều đặn không, có nợ cổ tức không?
  5. Ban điều hành có thay đổi gì không, chiến lược có gì làm ảnh hưởng tới kế hoạch phân chia lợi nhuận không. Ví dụ công ty định đầu tư mở rộng thì sẽ cần dùng lợi nhuận để tái đầu tư.
  6. Theo dõi hoàn thành kế hoạch theo quý để xem có gì bất thường không? Có khả năng đạt kế hoạch lợi nhuận năm không?
  7. Chu kỳ kinh doanh thế nào. Ví dụ doanh nghiệp xây dựng hay có doanh thu dồn vào quý 4.

Việc lấy tỷ suất cổ tức trên 10% vì nếu không thì đem gửi TK lấy 7% cho nó nhẹ đầu.

Tỷ suất cổ tức đều đặn hàng năm mà đạt 15% là hiếm. Ngày nào chả có hàng nghìn NĐT lùng xục tìm kiếm các mã cho tỷ suất 12-15% nên hàng ngon hiếm lắm. Hiếm nên bán là mất.

Thường SCIC hay yêu cầu chia tiền mặt nên nếu trùng mã với SCIC sẽ có cổ tức cao và đều đặn. Ngoài ra nếu BDH mà nắm tỷ lệ cao thì họ cũng hay chia cổ tức cao (trừ khi đã tự chia chác bằng cách làm tăng chi phí trong năm hoặc chuyển lợi nhuận sang công ty con)

Nói chung nhỏ lẻ muốn tác động là khó vì BĐH và HDQT công ty đã tính chán chê trước khi tổ chức DHCD. Tuy nhiên vẫn có nhiều trường hợp tăng cổ tức khi họp DHCD.

Các hỏi – đáp để làm rõ:

  • Chúng ta quan tâm tới tỷ suất cổ tức nên những công ty như VNM không được chọn.
  • Cách này căn theo lãi suất gửi tiết kiệm (GTK), nếu lãi suất tiết kiệm (LSTK) tăng thì chúng ta cũng cần tăng tương ứng. Tuy nhiên cần thấy một điều thời điểm LSTK tăng có nghĩa lãi vay cũng tăng và số doanh nghiệp chết vì chi phí tài chính cũng khủng khiếp, cứ xem thời kỳ 2010-2012 đủ biết. Lúc đó phải tìm những doanh nghiệp ngon bị định giá thấp để mua chờ 1-2 năm sau ăn bằng lần.
  • Tùy theo quan điểm của từng người, tuy nhiên tôi nói không với phát hành thêm (PHT) nên cứ định bán giấy (chứ không phải chia thưởng) là tôi chạy mất dép. Mức chia cổ tức thường ở khoảng 60-75% tổng LNST.
  • Thu hồi trong vòng 5 năm là thuộc dạng nhanh rồi bác, sẽ đạt được nếu kết hợp lãi kép tái đầu tư cổ tức vào cổ phiếu. Nếu doanh nghiệp tăng trưởng có kết hợp chia cổ phiếu và tiền thì có thể xuống còn 3 năm.
  • Có một điều ít người để ý, mua cổ phiếu ăn cổ tức hợp lý nhất ở tầm giá dưới 30. Nếu giá là 30 mà trả cổ tức khoảng 40-45% là khá hiếm (trước đây có KSB thường trả cao). Vì vậy các mã trả cổ tức ổn định và cũng có tăng trưởng sẽ có mức giá khoảng 10-20, một số từ 20-30 (những mã này thường tăng do lúc đó đã bị nhiều người biết đến hơn – vd ADP, ACE, AMC).
  • Như tôi nói trước đây, nếu tôi lấy tiền lãi ra mua mã ăn cổ tức thì vẫn có thể mua VNM, MAS dù thị giá của nó cao và tỷ suất cổ tức không đạt.

Xác định đơn giản qua chỉ số P/E

Theo tôi không có một phương án phù hợp tất cả.

  1. Hàng ăn cổ tức thì P/E chỉ bằng hoặc dưới 6
  2. Hàng tăng trưởng thì sẽ tùy, nếu ăn được từ gốc thì khi đó P/E sẽ thấp (ví dụ loanh quanh 4), nếu ăn ở đoạn giữa khi đang tăng trưởng thì có thể tính theo công thức P/E/G để so sánh tương đối tốc độ tăng trương lợi nhuận với chỉ số P/E
  3. Hàng theo dạng mọi người hay gọi là móc cống, xác chết sống lại thì sẽ phải tính P/E cho tương lai (P/E forward) dù thực tế lúc mua có thể P/E đang cao. Tuy nhiên P/E khoảng 10 trở xuống thì còn khả dĩ an toàn một chút.

GiaoThong – 05/2016

#GiaoThong | #LuaChonCoPhieu

Bài 17: Giới thiệu các cuốn sách (nước ngoài) về chứng khoán – GiaoThong

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top